Một số chính sách, pháp luật có hiệu lực từ tháng 12/2024
Trong tháng 12/2024 09 Nghị định, 03 Quyết định, 39 Thông tư chính thức có hiệu lực, sau đây là một số văn bản, chính sách quan trọng liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân
1. Nghị định 144/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan
Theo đó, sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng quy định tại Phụ lục I - Biểu thuế xuất khẩu, Phụ lục II - Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế quy định tại Điều 3 Nghị định 26/2023/NĐ-CP thành các mức thuế suất thuế xuất khẩu, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 144/2024/NĐ-CP .
Đơn cử, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng đối với sản phẩm chứa lá thuốc lá, thuốc lá hoàn nguyên, nicotin, hoặc các nguyên liệu thay thế lá thuốc lá hoặc các nguyên liệu thay thế nicotin, dùng để hút mà không cần đốt cháy; các sản phẩm chứa nicotin khác dùng để nạp nicotin vào cơ thể con người (Nhóm 24.04) là 50%, bao gồm:
- Các sản phẩm dùng để hút mà không cần đốt cháy:
+ Chứa lá thuốc lá hoặc thuốc lá hoàn nguyên (mã hàng 2404.11.00);
+ Loại khác, chứa nicotin (mã hàng 2404.12);
+ Dạng lỏng hoặc gel dùng cho thuốc lá điện tử (mã hàng 2404.12.10);
+ Loại khác (mã hàng 2404.12.90);
+ Chứa các nguyên liệu thay thế lá thuốc lá (mã hàng 2404.19.10);
+ Chứa các nguyên liệu thay thế nicotin (mã hàng 2404.19.20);
- Loại khác:
+ Kẹo cao su có nicotin (mã hàng 2404.91.10);
+ Miếng dán nicotin (mã hàng 2404.92.10).
Lưu ý: Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của các mặt hàng thuộc nhóm 24.04, các mặt hàng có mã HS 8543.40.00 thuộc Phụ lục II Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định 144/2024/NĐ-CP được áp dụng trong trường hợp các mặt hàng này được phép nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 16/12/2024
2. Nghị định 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng
Theo đó, tên miền bị xử lý tạm ngừng hoạt động trong các trường hợp sau đây:
- Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan điều tra hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao để ngăn chặn kịp thời các hành vi sử dụng tên miền xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật;
- Theo yêu cầu bằng văn bản thực thi quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về thông tin và truyền thông hoặc thanh tra chuyên ngành khác;
- Các trường hợp thông tin đăng ký sử dụng tên miền không chính xác, không xác định được chủ thể đăng ký sử dụng tên miền; hồ sơ đăng ký sử dụng tên miền không đầy đủ, không chính xác; tên miền đăng ký không đúng quy định quản lý về cấu trúc, đối tượng đăng ký sử dụng;
- Chủ thể đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” không thực hiện việc nộp đủ phí duy trì sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Các trường hợp thu hồi tên miền “.vn”
Theo đó, trong các trường hợp sau đây tên miền “.vn” sẽ bị thu hồi:
- Thực hiện yêu cầu thu hồi tên miền tại quyết định, bản án, phán quyết giải quyết tranh chấp tên miền của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc tại Văn bản hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải;
- Thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với các trường hợp thu hồi tên miền phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh hoặc không còn phù hợp quy hoạch tài nguyên Internet quy định tại Luật Viễn thông;
- Thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về thông tin và truyền thông hoặc thanh tra chuyên ngành khác có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi tên miền hoặc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm;
- Thực hiện yêu cầu bằng văn bản của cơ quan điều tra hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định để ngăn chặn kịp thời các hành vi sử dụng tên miền xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật;
- Áp dụng với Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” không nộp đủ phí duy trì sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đến hạn nộp phí;
- Các trường hợp thông tin đăng ký sử dụng tên miền không chính xác, không xác định được chủ thể đăng ký sử dụng tên miền mà chủ thể không cập nhật, bổ sung hoặc hoàn thiện thông tin; tên miền đăng ký không đúng quy định quản lý về cấu trúc, đối tượng đăng ký sử dụng; chủ thể tên miền là tổ chức, doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, không còn tồn tại mà không có sự chuyển quyền sử dụng hợp lệ sang chủ thể khác theo quy định của pháp luật; cá nhân đã qua đời mà không có sự chuyển quyền sử dụng hợp lệ sang chủ thể khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
3. Nghị định 128/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoat động xúc tiến thương mại
Sửa quy định về báo cáo kết quả thực hiện chương trình khuyến mại
Cụ thể, việc báo cáo kết quả thực hiện chương trình khuyến mại được quy định như sau:
- Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày hết thời hạn trao giải thưởng của chương trình khuyến mại theo hình thức quy định tại Điều 13 Nghị định 81/2018/NĐ-CP và các hình thức khác theo quy định tại khoản 9 Điều 92 Luật Thương mại 2005, thương nhân thực hiện chương trình khuyến mại phải có văn bản báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (nơi đã đăng ký và được xác nhận) về kết quả thực hiện chương trình khuyến mại theo Mẫu số 07 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP .
Trong trường hợp phải trích nộp 50% giá trị giải thưởng không có người trúng thưởng vào ngân sách nhà nước, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo của thương nhân, cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thu nộp 50% giá trị đã công bố của giải thưởng không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại theo Mẫu số 08 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP .
Trong thời hạn 45 ngày kể từ khi nhận được quyết định thu nộp của cơ quan quản lý nhà nước, thương nhân có trách nhiệm nộp khoản tiền 50% giá trị đã công bố của giải thưởng không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại theo quyết định. (Hiện hành, theo khoản 2 Điều 21 Nghị định 81/2018/NĐ-CP là 15 ngày).
Các chứng từ, tài liệu liên quan đến báo cáo kết quả và liên quan đến việc thực hiện chương trình khuyến mại phải được thương nhân lưu trữ và chịu trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát;
- Thương nhân thực hiện khuyến mại theo các hình thức quy định tại khoản 8 Điều 92 Luật Thương mại 2005, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12 và Điều 14 Nghị định 81/2018/NĐ-CP không phải báo cáo kết quả thực hiện khuyến mại.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/12/2024.
4. Nghị định 136/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện
Trong đó, sửa đổi quy định về tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, tên, biểu tượng và trụ sở của quỹ.
Cụ thể, tên của quỹ xã hội, quỹ từ thiện phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Quỹ phải có tên bằng tiếng Việt và có thể được dịch ra tiếng nước ngoài theo quy định của pháp luật và phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của quỹ;
- Không trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với tên của quỹ khác đã được đăng ký hợp pháp trước đó;
- Không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;
- Không gắn với tên riêng của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chức sắc tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng, các sáng lập viên thành lập quỹ, thành viên Hội đồng quản lý quỹ và người có quan hệ gia đình với sáng lập viên, thành viên Hội đồng quản lý quỹ;
- Không gây hiểu nhầm, dẫn đến mâu thuẫn, nguy cơ xung đột quan điểm, lợi ích giữa các tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, cộng đồng các dân tộc tại Việt Nam; không trái với quy định tại các điều ước, thỏa thuận, hiệp định, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên; không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Đồng thời, bổ sung quy định về tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, tên, biểu tượng và trụ sở của quỹ, cụ thể:
Biểu tượng của quỹ không được trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với biểu tượng của quỹ khác được đăng ký hợp pháp trước đó, không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, không gây hiểu nhầm, dẫn đến mâu thuẫn, nguy cơ xung đột quan điểm, lợi ích giữa các tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, cộng đồng các dân tộc tại Việt Nam; không trái với quy định tại các điều ước, thỏa thuận, hiệp định, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên, không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Biểu tượng của quỹ phải được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/12/2024.
5. Thông tư 20/2024/TT-BGTVT ngày 03/6/2024 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khung xe mô tô, xe gắn máy.
Theo đó, quy định chung tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khung xe mô tô, xe gắn máy ban hành kèm theo Thông tư 20/2024/TT-BGTVT như sau:
- Kết cấu và thông số kỹ thuật của khung phù hợp với tài liệu kỹ thuật của cơ sở đăng ký thử nghiệm cung cấp:
+ Sai số khối lượng khung theo đăng ký của cơ sở đăng ký thử nghiệm nhưng không vượt quá ± 10%
+ Sai số kích thước chiều dày các chi tiết chính của khung (ống cổ, thân chính, thân khung) theo đăng ký của cơ sở đăng ký thử nghiệm nhưng không vượt quá ± 10%.
+ Sai số kích thước bao của mặt cắt ngang các chi tiết chính của khung (ống cổ, thân chính, thân khung) và các kích thước chiều dài khác theo đăng ký của cơ sở đăng ký thử nghiệm nhưng không vượt quá ± 5%.
- Khung không được có vết nứt, gãy.
- Mối hàn trên khung (đối với khung có kết cấu hàn) không được bong, nứt.
- Các mối ghép trên khung như mối ghép đinh tán, mối ghép bu lông, các loại mối ghép khác (nếu có) phải chắc chắn.
- Khung có khả năng chống han gỉ bằng cách sử dụng vật liệu chế tạo hoặc lớp phủ bảo vệ. Lớp phủ bảo vệ (nếu có) không được bong tróc, phồng rộp.
- Khung phải được đóng mã nhận dạng khung trên chi tiết cố định của khung hoặc trên tấm kim loại gắn cố định trên khung và phải là duy nhất. Mã nhận dạng khung có thể trùng mã nhận dạng phương tiện (VIN). Trường hợp mã nhận dạng khung không trùng với mã VIN, mã nhận dạng khung phải bao gồm các ký tự để nhận biết được nhà sản xuất khung, dây chuyền sản xuất, kiểu dáng, năm sản xuất và số thứ tự sản xuất (trừ trường hợp khung nhập khẩu để thay thế, bảo hành)
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/12/2024
6. Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo
Theo quy định áp dụng một hoặc đồng thời các phương pháp được quy định tại Điều 6 Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT để xây dựng các định mức thành phần như sau:
- Định mức lao động (giờ)
Định mức lao động = Định mức lao động trực tiếp (giảng dạy lý thuyết; hướng dẫn thực hành; hướng dẫn tiểu luận, luận án, luận văn...) + Định mức lao động gián tiếp (quản lý; phục vụ...).
Định mức lao động trực tiếp là thời gian giảng dạy lý thuyết; hướng dẫn thực hành; hướng dẫn tiểu luận, luận án, luận văn...
Định mức lao động gián tiếp được tính theo tỷ lệ % của lao động trực tiếp.
- Định mức thiết bị
+ Xác định chủng loại thiết bị;
+ Xác định thông số kỹ thuật cơ bản của thiết bị;
+ Xác định thời gian sử dụng từng chủng loại thiết bị;
+ Tổng hợp định mức thiết bị.
Các thiết bị phục vụ cho công tác quản lý, phục vụ của lao động gián tiếp tại cơ sở giáo dục không được tính trong định mức thiết bị.
- Định mức vật tư
+ Xác định chủng loại vật tư;
+ Xác định số lượng/khối lượng theo từng loại vật tư: Căn cứ vào chủng loại thiết bị, thời gian máy chạy có tải (tiêu hao vật tư);
+ Xác định tỷ lệ (%) thu hồi vật tư: Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của vật tư để tính tỷ lệ (%) thu hồi;
+ Xác định yêu cầu kỹ thuật cơ bản của vật tư: Mô tả thông số kỹ thuật của từng loại vật tư phù hợp trong đào tạo.
- Định mức cơ sở vật chất
+ Định mức sử dụng khu học lý thuyết cho 01 người học:
Đlt = Slt x Tlt
Trong đó:
Đlt: Định mức sử dụng khu học lý thuyết của 01 người học trong quá trình đào tạo (đơn vị tính m2 x giờ/người học);
Slt: Diện tích sử dụng trung bình của 01 người học tại khu học lý thuyết trong quá trình đào tạo (đơn vị tính m2/người học);
Tlt: Tổng thời gian sử dụng tại khu học lý thuyết của 01 người học trong quá trình đào tạo (đơn vị tính giờ).
+ Định mức sử dụng từng khu thực hành, thực tập, thí nghiệm của 01 người học trong quá trình đào tạo:
Đth = Sth x Tth
Trong đó:
Đth: Định mức sử dụng từng khu thực hành, thực tập, thí nghiệm của 01 người học trong quá trình đào tạo (m2 x giờ/người học);
Sth: Diện tích sử dụng trung bình từng khu thực hành, thực tập, thí nghiệm của 01 người học trong quá trình đào tạo (m2/người học);
Tth: Tổng thời gian sử dụng từng khu thực hành, thực tập, thí nghiệm của 01 người học trong quá trình đào tạo (giờ).
+ Định mức các khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật khác trong trường được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) so với tổng định mức khu học lý thuyết và khu thực hành, thực tập, thí nghiệm.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 16/12/2024.
7. Thông tư 30/2024/TT-BYT của Bộ Y tế quy định danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện
heo đó danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do Trạm Y tế xã thực hiện quy định chi tiết tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 30/2024/TT-BYT , cụ thể gồm 15 gói dịch vụ sau:
- Gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em;
- Gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ;
- Gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi;
- Gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật;
- Gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền;
- Gói dịch vụ phòng, chống bệnh không lây nhiễm;
- Gói dịch vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS;
- Gói dịch vụ xác định tình trạng nghiện ma túy;
- Gói dịch vụ tiêm chủng;
- Gói dịch vụ về dinh dưỡng;
- Gói dịch vụ bảo đảm an toàn thực phẩm;
- Gói dịch vụ về sức khỏe môi trường, phòng, chống tai nạn thương tích, sức khỏe lao động;
- Gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi kết hôn, dân số và kế hoạch hóa gia đình;
- Gói dịch vụ về truyền thông y tế - dân số;
- Gói dịch vụ về ứng dụng công nghệ thông tin.
Lưu ý: Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do Trạm Y tế xã thực hiện sẽ được Bộ Y tế cập nhật, điểu chỉnh theo yêu cầu thực tiễn.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 19/12/2024.
8. Thông tư 26/2024/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định phương pháp lập khung giá bán buôn điện
Cụ thể các tài liệu phục vụ tính toán khung giá bán buôn điện gồm có:
- Thuyết minh cơ sở xây dựng khung giá bán buôn điện năm N.
- Thuyết minh và các bảng tính khung giá bán buôn điện năm N, gồm:
+ Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu sản lượng điện thương phẩm, tỷ lệ tổn thất điện năng, tình hình thực hiện doanh thu, các chi phí năm N-1, lợi nhuận, vốn chủ sở hữu đến 31/12 (hoặc ngày 30/9 trong trường hợp chưa có số liệu) năm N-1.
+ Thuyết minh và tính toán các thành phần chi phí, lợi nhuận của Tổng công ty Điện lực i, gồm:
++ Bảng tổng hợp chi phí phân phối - bán lẻ điện của Tổng công ty Điện lực.
++ Bảng tính khấu hao tài sản cố định hiện hữu năm N gồm: tổng hợp giá trị khấu hao cơ bản của các tài sản cố định có trên sổ sách đến ngày 31 tháng 12 năm N-1;
++ Nguyên giá tài sản cố định tăng mới năm N và khấu hao dự kiến của tài sản cố định tăng mới năm N;
++ Dự kiến tài sản cố định tăng mới năm N theo danh mục các công trình đóng điện.
++ Bảng tính lãi vay kế hoạch năm N theo các hợp đồng tín dụng.
++ Bảng tính ước chi phí chênh lệch tỷ giá năm N.
++ Bảng tổng hợp về biến động số lao động cho hoạt động phân phối - bán lẻ điện năm N-1, kế hoạch lao động bình quân cho hoạt động phân phối - bán lẻ điện năm N và kế hoạch chi phí tiền lương và các khoản trích theo lương cho hoạt động phân phối - bán lẻ điện dự kiến cho năm N.
++ Bảng dự kiến kế hoạch chi phí, doanh thu tại các khu vực chưa nối lưới điện quốc gia (nếu có).
++ Bảng số liệu dự kiến chi phí mua điện mặt trời mái nhà năm N.
++ Vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31/12 (hoặc 30/9 trong trường hợp chưa có số liệu) năm N-1 (đồng).
+ Thuyết minh và tính toán chi phí sửa chữa lớn, chi phí vật liệu, chi phí dịch vụ mua ngoài, chi phí bằng tiền khác, chi phí phát triển khách hàng, chi phí chăm sóc khách hàng và truyền thông, chi phí công tơ.
+ Thuyết minh và bảng tính toán chi phí mua điện từ thị trường điện của Tổng công ty Điện lực i của năm N, bao gồm:
++ Thuyết minh về các thông số đầu vào tính toán mô phỏng chi phí mua điện từ thị trường điện, gồm: Phụ tải dự báo năm N; các số liệu chung của thị trường điện năm N: giá điện năng thị trường, giá công suất thị trường, hệ số quy đổi theo tổn thất điện năng; các số liệu của các nhà máy điện được phân bổ hợp đồng và các nhà máy điện ký hợp đồng trực tiếp với Tổng công ty Điện lực trong năm N: giá hợp đồng, sản lượng hợp đồng, sản lượng kế hoạch;
++ Bảng tính toán chi phí mua điện tử thị trường điện của Tổng công ty Điện lực i trong năm N.
+ Thuyết minh và bảng tính các khoản thuế, phí của các nhà máy điện ký hợp đồng trực tiếp với Tổng công ty Điện lực trong năm N, bao gồm:
++ Thuyết minh về các chi phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải làm mát, thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, dịch vụ môi trường rừng, các chí liên quan khác;
++ Bảng tính toán phân bổ các khoản thuế, phí của các nhà máy điện ký hợp đồng trực tiếp với Tổng công ty Điện lực trong năm N.
- Các tài liệu kèm theo, gồm:
+ Báo cáo tài chính năm N-2 đã được kiểm toán do Cơ quan kiểm toán độc lập thực hiện: Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, báo cáo thuyết minh;
+ Định mức các thành phần chi phí sử dụng trong hồ sơ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 30/12/2024.
9. Thông tư 19/2024/TT-BGTVT sửa đổi 01:2024 QCVN 33:2019/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gương dùng cho xe ô tô
Theo đó, những nội dung mới được sửa đổi tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gương dùng cho xe ô tô như sau:
- Hệ thống Camera-màn hình (CMS) là hệ thiết bị dùng để quan sát phía sau, bên cạnh hoặc phía trước xe trong phạm vi quan sát được quy định tại Phụ lục A của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gương dùng cho xe ô tô bằng phương pháp kết hợp giữa camera-màn hình được định nghĩa như sau:
+ Camera (camera) là thiết bị ghi lại hình ảnh của thế giới bên ngoài và sau đó chuyển đổi hình ảnh này thành tín hiệu video.
+ Màn hình (monitor) là thiết bị chuyển đổi tín hiệu thành các hình ảnh được thể hiện trong quang phổ mắt người nhìn thấy được.
- Kiểu loại gương (Mirror type): các gương chiếu hậu được coi là cùng kiểu loại nếu có cùng nhãn hiệu, nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất và không có sự khác biệt về các đặc tính kỹ thuật chính sau đây:
+ Thiết kế của cụm gương bao gồm cả chi tiết liên kết với xe (nếu có).
+ Loại gương, hình dạng gương, kích thước và bán kính cong của bề mặt phản xạ.
- Kiểu loại hệ thống camera-màn hình (Camera-monitor system type): các hệ thống camera-màn hình được coi là cùng kiểu loại nếu có cùng nhãn hiệu, nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất và không có sự khác biệt về các đặc tính kỹ thuật chính sau đây:
+ Thiết kế của hệ thống camera-màn hình bao gồm cả chi tiết liên kết với xe (nếu có).
+ Loại CMS, phạm vi quan sát, độ phóng đại và độ phân giải.
- Hệ thống chức năng kép CMS và gương là CMS loại I, trong đó màn hình được đặt phía sau gương bán trong suốt (màn hình và gương bán trong suốt phù hợp với Quy chuẩn này). Màn hình hiển thị ở chế độ CMS.
- Gương loại IV (Gương quan sát góc rộng)
Biên dạng của bề mặt phản xạ phải có dạng hình học đơn giản và có kích thước (có thể kết hợp với gương lắp ngoài Loại II nếu cần thiết) để tạo ra phạm vi quan sát được quy định tại điểm A.4 Phụ lục A của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gương dùng cho xe ô tô.
- Gương loại V (Gương quan sát không gian gần)
Biên dạng của bề mặt phản xạ phải có dạng hình học đơn giản và có kích thước để tạo ra phạm vi quan sát được quy định tại điểm A.5 phụ lục A của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gương dùng cho xe ô tô.
- Gương loại VI (Gương quan sát phía trước)
Biên dạng của bề mặt phản xạ phải có dạng hình học đơn giản và có kích thước để tạo ra phạm vi quan sát được quy định tại điểm A.6 Phụ lục A của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gương dùng cho xe ô tô.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/12/2024
10. Thông tư 07/2024/TT-BVHTTDL quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ giám định, thông tin, truyền thông về quyền tác giả, quyền liên quan phục vụ công tác quản lý nhà nước
Theo đó, định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ giám định về quyền tác giả, quyền liên quan phục vụ công tác quản lý nhà nước được quy định như sau:
(i) Tên định mức, mô tả nội dung công việc, bảng định mức kinh tế - kỹ thuật, cách tính chi phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật đối với một số trường hợp cụ thể quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư 07/2024/TT-BVHTTDL .
(ii) Các mức độ giám định:
- Mức 1:
+ Mẫu giám định: bên yêu cầu giám định cung cấp đầy đủ hồ sơ và các mẫu yêu cầu giám định.
+ Loại hình và đối tượng giám định: quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 07/2024/TT-BVHTTDL , có một tác giả và một chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan và không có yếu tố nước ngoài.
+ Thời gian thực hiện giám định: Đến 03 ngày làm việc.
+ Số lượng giám định viên: 01 người.
+ Thành viên Hội đồng tư vấn giám định (nếu có): 03 người (có trình độ cử nhân trở lên).
- Mức 2:
+ Mẫu giám định: bên yêu cầu giám định cung cấp đầy đủ hồ sơ và các mẫu yêu cầu giám định.
+ Loại hình và đối tượng giám định: quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 07/2024/TT-BVHTTDL , có từ 02 tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan trở lên và không có yếu tố nước ngoài.
+ Thời gian thực hiện giám định: đến 05 ngày làm việc.
+ Số lượng giám định viên: Từ 01 người trở lên.
+ Thành viên Hội đồng tư vấn giám định: Từ 03 đến 05 người (có trình độ cử nhân trở lên), là chuyên gia đã làm việc trong lĩnh vực có liên quan từ 03 năm trở lên.
- Mức 3:
+ Mẫu giám định: bên yêu cầu giám định cung cấp đầy đủ hồ sơ và các mẫu yêu cầu giám định.
+ Loại hình và đối tượng giám định: quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 07/2024/TT-BVHTTDL ; có từ 02 tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan trở lên; có yếu tố nước ngoài và các trường hợp liên quan khác.
+ Thời gian thực hiện giám định: đến 10 ngày làm việc.
+ Số lượng giám định viên: Từ 01 người trở lên.
+ Thành viên Hội đồng tư vấn giám định: từ 05 người trở lên (có trình độ cử nhân trở lên) là chuyên gia đã làm việc trong lĩnh vực có liên quan từ 03 năm trở lên.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/12/2024.
11. Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp
huyển xếp lương từ ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục và đào tạo sang ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp
Viên chức đang làm công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hiện đang xếp lương ở các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo quy định tại Quyết định 202/TCCP-VC ngày 08 tháng 6 năm 1994; Thông tư liên tịch 81/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 10 tháng 8 năm 2005 và Thông tư liên tịch 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28 tháng 11 năm 2014 được bổ nhiệm sang chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp quy định tại Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH thì được xếp lương theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007, cụ thể như sau:
(1) Xếp lương ngạch giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp (hạng I) - Mã số: V.09.02.01 đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giảng viên cao cấp - Mã số 15.109 quy định tại Quyết định 202 hoặc giảng viên cao cấp (hạng I) - Mã số V.07.01.01 quy định tại Thông tư liên tịch 36/2014.
(2) Xếp lương ngạch giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính (hạng II) - Mã số: V.09.02.02 đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giảng viên chính - Mã số 15.110 hoặc giáo viên trung học cao cấp, mã số 15.112 quy định tại Quyết định 202 hoặc giảng viên chính (hạng II) - Mã số V.07.01.02 quy định tại Thông tư liên tịch 36/2014.
(3) Xếp lương ngạch giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết (hạng III) - Mã số: V.09.02.03 đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giảng viên - Mã số 15.111, hoặc giáo viên trung học - Mã số 15.113 quy định tại Quyết định 202 hoặc giảng viên (hạng III) - Mã số V.07.01.03 quy định tại Thông tư liên tịch 36/2014.
(4) Xếp lương ngạch giảng viên giáo dục nghề nghiệp thực hành (hạng III) - Mã số: V.09.02.04 đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên trung học (chưa đạt chuẩn) - Mã số 15c.207 quy định tại Thông tư liên tịch 81/2005.
(5) Xếp lương ngạch giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính (hạng II) - Mã số: V.09.02.06 đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên trung học cao cấp - Mã số 15.112 quy định tại Quyết định 202.
(6) Xếp lương ngạch giáo viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết (hạng III) - Mã số: V.09.02.07 đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên trung học - Mã số 15.113 quy định tại Quyết định 202.
(7) Xếp lương ngạch giáo viên giáo dục nghề nghiệp thực hành (hạng III) - Mã số: V.09.02.08 đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên trung học (chưa đạt chuẩn) - Mã số 15c.207 quy định tại Thông tư liên tịch 81/2005.
(8) Xếp lương ngạch giáo viên giáo dục nghề nghiệp (hạng IV) - Mã số: V.09.02.09 đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên trung học (chưa đạt chuẩn) - Mã số 15c.207 quy định tại Thông tư liên tịch 81/2005.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/12/2024.
12. Thông tư 13/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học
Theo đó, Thông tư 13/2024/TT-BGDĐT quy định điều kiện xét thăng hạng giáo viên công lập:
- Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.02.25), hạng I (mã số V.07.02.24)
- Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28), hạng I (mã số V.07.03.27)
- Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31), hạng I (mã số V.07.04.30)
- Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14), hạng I (mã số V.07.05.13)
- Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II (mã số V.07.07.18), hạng I (mã số V.07.07.17)
Đơn cử, tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng giáo viên mầm non hạng I như sau:
Giáo viên mầm non được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I (mã số V.07.02.24) khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
- Đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25).
- Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II và tương đương, có 05 năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 02 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.
- Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT và khoản 2 Điều 1 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT .
- Đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 4 Điều 5 Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT và khoản 4, khoản 7 Điều 1 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT . Trong đó, các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT phải là các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đạt được trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II và tương đương.
- Đáp ứng yêu cầu về thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II (bao gồm cả thời gian giữ hạng tương đương) theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT .
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2024
13. Thông tư 55/2024/TT-BCA sửa đổi 04 Thông tư về phòng cháy chữa cháy, trong đó sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy
Theo đó, Thông tư 55/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư 06/2022/TT-BCA về về cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy. Trong đó có các nội dung đáng chú ý sau:
(1) Hồ sơ và việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy thực hiện theo quy định tại các khoản 5, 6, 7 và khoản 8 Điều 38 Nghị định 136/2020/NĐ-CP , được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 13 Điều 1, các khoản 1, 2, 3 và khoản 5 Điều 4, khoản 1 Điều 5 Nghị định 50/2024/NĐ-CP .
Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy không thuộc thẩm quyền giải quyết, cán bộ, chiến sĩ tiếp nhận hồ sơ ghi thông tin vào Phiếu từ chối tiếp nhận giải quyết hồ sơ theo Mẫu số 03 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 01/2018/TT-VPCP hoặc thông báo qua thư điện tử hoặc tin nhắn điện thoại trong trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến và trả hồ sơ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.
(2) Sau khi tiếp nhận hồ sơ theo quy định, cán bộ, chiến sĩ tiếp nhận hồ sơ lập và ghi đầy đủ thông tin vào Phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ ban hành kèm theo Thông tư 06/2022/TT-BCA , báo cáo người có thẩm quyền trực tiếp quản lý duyệt, ký và bàn giao hồ sơ đến đơn vị, bộ phận được giao giải quyết, trừ trường hợp hồ sơ nộp trực tuyến quy định tại điểm b khoản 6 Điều 38 Nghị định 136/2020/NĐ-CP , được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 và khoản 5 Điều 4 Nghị định 50/2024/NĐ-CP .
(3) Lãnh đạo, chỉ huy đơn vị được phân công thực hiện cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy phân công cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ bằng Phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ kèm theo Thông tư 06/2022/TT-BCA hoặc trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
(4) Cán bộ, chiến sĩ được phân công giải quyết hồ sơ kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy thực hiện các bước sau:
- Kiểm tra thành phần hồ sơ, tính pháp lý và sự phù hợp với quy định.
- Đối chiếu các tài liệu và kết quả kiểm định với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn phòng cháy chữa cháy.
- Nếu đạt yêu cầu, dự thảo và trình Giấy chứng nhận kiểm định, thông báo chi phí in tem kiểm định.
- Trong trường hợp từ chối, dự thảo văn bản trả lời.
- Sau khi được duyệt, lấy số, đóng dấu, và thông báo phối hợp dán tem kiểm định.
- Bàn giao Giấy chứng nhận hoặc văn bản trả lời cho bộ phận trả kết quả.
- Lập và lưu trữ hồ sơ theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/12/2024
14. Thông tư 10/2024/TT-BXD quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng
- Các nhóm sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 10/2024/TT-BXD .
- Sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn là sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường (sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nhóm 2) thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Xây dựng được quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 10/2024/TT-BXD .
- Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng không có khả năng gây mất an toàn là sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, không gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường (sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nhóm 1).
- Đối với hàng hóa vật liệu xây dựng xuất khẩu, nhập khẩu chưa được liệt kê và xác định mã HS hoặc có sự khác biệt, không thống nhất trong việc phân loại và xác định mã HS, việc xác định mã HS thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan. Sau khi thông quan, các tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu gửi văn bản về Bộ Xây dựng để làm cơ sở phối hợp với Bộ Tài chính xem xét thống nhất, cập nhật, bổ sung vào danh mục mã HS.
Yêu cầu chung về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng
- Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng phải đảm bảo chất lượng theo quy định tại khoản 1 Điều 7 và Điều 10 Chương 3 Nghị định 09/2021/NĐ-CP; công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc theo Thông tư 02/2024/TT-BKHCN .
- Đối với sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng nhóm 1:
+ Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng và ghi nhãn theo quy định tại Điều 4 Thông tư 10/2024/TT-BXD trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường.
+ Tự nguyện công bố sản phẩm, hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn tương ứng. Việc công bố hợp chuẩn thực hiện theo hướng dẫn tại Chương 2 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN , Thông tư 02/2017/TT-BKHCN và Điều 11 Thông tư 10/2024/TT-BXD .
- Đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nhóm 2:
+ Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và ghi nhãn theo quy định tại Điều 4 Thông tư này trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường.
+ Bắt buộc công bố sản phẩm, hàng hóa phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Việc công bố hợp quy được thực hiện theo hướng dẫn tại Chương 2 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN , Thông tư 02/2017/TT-BKHCN và Điều 12 Thông tư 10/2024/TT-BXD .
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/12/2024
15. Thông tư 76/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế
1. Thông tin về đợt chào bán cần công bố trước đợt chào bán trái phiếu của doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ tại thị trường trong nước, bao gồm:
- Mã trái phiếu;
- Thị trường phát hành;
- Tổng giá trị phát hành;
- Kết quả xếp hạng tín nhiệm trong trường hợp bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm theo quy định của pháp luật; hoặc kết quả xếp hạng tín nhiệm (nếu có) trong trường hợp không bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm;
- Loại hình trái phiếu;
- Ngày dự kiến;
- Thời gian dự kiến tổ chức đợt chào bán;
- Số tài khoản nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán;
- Các tổ chức liên quan đến đợt chào bán
2. Công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu của doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra quốc tế gồm:
- Thông tin về doanh nghiệp;
- Mã trái phiếu;
- Điều kiện, điều khoản của trái phiếu;
- Ngày phát hành;
- Ngày hoàn thành đợt chào bán;
- Ngày đáo hạn;
- Thị trường phát hành;
- Mục đích phát hành;
- Phương thức phát hành;
- Phương thức thanh toán gốc, lãi trái phiếu;
- Phương thức thực hiện quyền;
- Cam kết về bảo đảm ;
- Mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu.
3. Đại diện người sở hữu trái phiếu báo cáo định kỳ hàng quý và hàng năm đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội:
- Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất:
- Ngày đầu tiên của quý liền sau đối với báo cáo quý
- 31/01 năm sau đối với báo cáo năm
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ KỲ HẢI